Các đại biểu HĐND TP.HCM đã đến khảo sát dự án 2,7km đường vành đai 2 TP.HCM đoạn qua địa bàn TP Thủ Đức.
Sáng 23-7, ông Phạm Thành Kiên – phó chủ tịch HĐND TP.HCM – và lãnh đạo Ban Đô thị HĐND TP cùng các sở ngành, đơn vị liên quan đã đến khảo sát dự án vành đai 2 TP.HCM. Đây là một trong những nội dung nhằm chuẩn bị cho chương trình Dân hỏi – Chính quyền trả lời tháng 9-2024 chủ đề quản lý và phát triển công trình đường bộ.
Những hộ dân tiên phong bàn giao mặt bằng vành đai 2
Một trong những công trình được đoàn đại biểu tới khảo sát là dự án đoạn 3 đường vành đai 2 TP.HCM dài 2,7km. Công trình có điểm đầu tại đường Phạm Văn Đồng và điểm cuối tại nút giao Gò Dưa quốc lộ 1 (TP Thủ Đức). Dự án thực hiện theo hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao), được ký kết năm 2016.
Đại diện Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái cho hay công trình khởi công từ năm 2017. Đến năm 2020, dự án tạm dừng khi khối lượng thi công đạt khoảng 44%. Lý do vướng mặt bằng và chờ thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án, thanh toán quỹ đất theo hợp đồng BT.
Hiện giải phóng mặt bằng trên 90%. Nhà đầu tư đã chuẩn bị đủ vốn, chỉ đợi TP gỡ vướng về các thủ tục để cùng với địa phương sớm đền bù, giải phóng mặt bằng phần còn lại.
Đoàn khảo sát cũng đã lắng nghe những chia sẻ của các hộ dân nằm trong ranh giải tỏa. Bà Nguyễn Thị Hòa Bình (68 tuổi) ngụ ở phường Tam Bình, TP Thủ Đức cho hay từ khi bắt đầu triển khai, gia đình đã bàn giao mặt bằng sớm vì mong muốn con đường rộng thênh thang này sẽ góp phần phát triển TP. Tuy nhiên, công trình làm nửa chừng lại tạm ngưng.
“Người dân thấy quá lâu nên cứ nghe ngóng tình hình. Có người đoán hết năm nay xong, nhưng cũng có người nói hai năm nữa. Chứng kiến công trình dang dở, cỏ mọc um tùm, tôi thấy rất buồn. Mong rằng vướng mắc của dự án sớm được tháo gỡ để thấy con đường trước nhà khang trang, sạch đẹp, thuận tiện đi lại”, bà Bình nói.
Chi 2.200 tỉ nhưng chưa được thanh toán
Ông Nguyễn Thế Vinh – tổng giám đốc Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái – cho hay hiện tổng giá trị thực chi để thực hiện dự án khoảng 2.200 tỉ đồng. Trong đó, giá trị thực hiện đã được xác nhận của Kiểm toán Nhà nước vào năm 2019 là 1.400 tỉ đồng.
Suốt 4 năm qua, nhà đầu tư đã cùng các sở ngành TP rà soát hợp đồng BT để đàm phán, ký kết phụ lục hợp đồng, thanh toán quỹ đất. Dù TP đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở ngành nhưng việc hoàn thiện hợp đồng vẫn chưa xong, nhà đầu tư cũng chưa được thanh toán.
Nghị quyết 98 đã có cơ chế tháo gỡ vướng mắc cho các dự án BT. Nhà đầu tư cũng mong muốn TP cùng các sở ban ngành nhanh chóng, tập trung đẩy nhanh các thủ tục cần thiết để dự án khởi động lại và đảm bảo tiến độ chung.
“Hiện lãi suất phát sinh của dự án đang tiếp tục tăng, trung bình mỗi tháng 14 tỉ đồng. Theo tính toán, đến nay lãi phát sinh đã hơn 600 tỉ đồng. Do vậy việc gỡ vướng cho dự án càng chậm càng gây lãng phí cho ngân sách”, ông Vinh nói.
Sau khi nghe các sở ban ngành báo cáo về tình hình giải quyết vướng mắc, ông Phạm Thành Kiên – phó chủ tịch HĐND TP.HCM – nói rằng tuy dài 2,7km nhưng dự án này có ý nghĩa rất quan trọng với kết nối, phân luồng giao thông, từng bước khép kín đường vành đai 2 TP.HCM dài 64km. Tuy nhiên, do có vướng mắc nên dự án đã triển khai nhiều năm chưa xong.
“Theo báo cáo của các đơn vị liên quan, hiện tình hình tháo gỡ vướng mắc cho dự án đang tiến triển, có tín hiệu mới. Vì vậy các sở ngành phải cố gắng, tập trung hoàn thiện các thủ tục để trình UBND TP tháo gỡ vướng mắc cho dự án khởi động trở lại. HĐND TP sẽ tiếp tục giám sát, đôn đốc để đảm bảo tiến độ dự án”, ông Kiên yêu cầu.